Với kinh nghiệm vi vu gần như toàn bộ châu Á, đi khắp Nhật Bản cùng các quốc gia châu Âu trong hơn 10 năm qua, độc giả Thạch Long rút ra một vài kinh nghiệm cá nhân về những lỗi mà du khách rất dễ mắc khi ra nước ngoài.
Đi taxi thay vì phương tiện công cộng
Đi taxi là cách đốt tiền nhanh nhất. Thay vì taxi, bạn hãy tìm hiểu về hệ thống giao thông công cộng ở thành phố mình ghé thăm. Tại Nhật Bản, với một quãng đường chỉ tốn 230 yen tiền xe bus (khoảng 40.000 đồng), bạn phải trả tới 3.000 yên (hơn 500.000 đồng) nếu đi taxi. Đó là còn chưa kể tới những địa điểm mà nạn taxi dù vẫn đang hoành hành. Tôi từng phải trả gấp 3 lần giá trị thật cho hành trình của mình khi bắt nhầm taxi dù tại Malaysia.
Không kiểm tra lịch trình của phương tiện công cộng
Đây là một trong những sai lầm mà vô số người mắc phải và hậu quả rất tồi tệ. Trong một chuyến du lịch, bạn tôi bắt xe buýt đến ngôi làng cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Chiều đi diễn ra thuận lợi. Bạn tôi dành ba tiếng đi dạo, chụp ảnh nhưng đến khi quay lại bến xe, cậu mới nhận ra không còn chuyến về.
Ở một số vùng xa xôi, xe buýt thường hết chuyến rất sớm. Nếu không kiểm tra kỹ giờ khởi hành của chuyến cuối, bạn có thể mất gấp 5-10 lần số tiền xe bus để bắt taxi về, hoặc tệ hơn là phải qua đêm ở một điểm xa xôi hẻo lánh.
Ăn nhà hàng gần điểm du lịch nổi tiếng
Trong chuyến dạo chơi ngôi làng cổ Bukchon Hanok ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), tôi nhanh chóng cảm thấy mệt và đói. Tôi và bạn bè chọn đại một nhà hàng trông không quá sang trọng gần khu vực này chỉ để ăn cơm với chút thịt bò, kim chi, canh. Cũng với thực đơn tương tự, tại một nhà hàng do anh bạn Hàn Quốc dắt tới, số tiền chúng tôi phải trả chỉ hơn nửa so với địa chỉ gần làng cổ.
Ăn gần những điểm du lịch nổi tiếng quả là tiện nhưng bạn thường phải trả mức giá cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, theo quan điểm của travel blogger Nomadic Matt, chất lượng thức ăn trong những nhà hàng gần điểm du lịch nổi tiếng thường tệ hơn so với những nhà hàng bình dân phục vụ món tương tự. "Lý do đơn giản là những nhà hàng có lợi thế vị trí không bao giờ thiếu khách ghé thăm, nên họ sẽ không chú trọng đến việc nâng cao chất lượng thức ăn", Matt chia sẻ.
Nhà hàng gần các điểm du lịch thường đắt, đông và chất lượng đồ ăn không quá nổi bật. Ảnh: Thạch Long
Bỏ qua các chỗ ở miễn phí
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thế giới ngày càng xuất hiện nhiều những mạng lưới cung cấp chỗ ở miễn phí cho khách du lịch bụi. Thông qua các tổ chức như Couchsurfing, Servas, BeWelcome, Warm Showers... những người dân bản địa có nhu cầu đón tiếp khách du lịch với mục đích giao lưu, trao đổi văn hoá sẽ đăng ký cung cấp chỗ ở miễn phí.
Những chỗ ở miễn phí có thể chỉ là một phòng ngủ nhỏ còn trống hoặc một góc nhà kê chiếc đệm. Khách du lịch có thể nghỉ ngơi, dùng cơm với chủ nhà mà không phải chi một xu nào. Đổi lại du khách cần cởi mở để giao lưu văn hóa, hoặc dạy tiếng Anh cho gia chủ.
Rất nhiều người nghĩ rằng "miếng pho mát miễn phí chỉ có ở bẫy chuột". Tuy nhiên, thực tế không tệ như bạn nghĩ. Một giáo viên tiếng Anh vốn là bạn của tôi từng đăng ký chia sẻ miễn phí một phòng rộng tới 15 m2 ở chung cư Mandarin (Hà Nội) cho những du khách tới Việt Nam, tiện ích không kém gì bất kỳ nhà nghỉ nào.
Nếu may mắn gặp được gia chủ tốt bụng, bạn thậm chí còn được họ lái xe đón tận sân bay, giới thiệu các địa điểm du lịch.
Chỉ thăm những điểm được giới thiệu trên mạng
Khi lên lịch trình, nhiều người có xu hướng tra cứu, tiếp nhận thông tin từ những công ty du lịch và đi theo đúng lộ trình gợi ý. Rốt cuộc bạn chỉ biết về những địa danh nổi tiếng mà không biết gì hơn về thành phố bạn ghé thăm. Ví dụ như tới Kyoto, Nhật Bản thì phải ghé chùa Kiyomizu-dera và chùa Vàng Kinkakuji; thăm Tokyo thì nên đi dạo ở Harajuku...
Những địa danh nổi tiếng thường đông hơn tưởng tượng rất nhiều. Bạn sẽ phải tốn nhiều sức lực hơn để đi, tốn thời gian xếp hàng chờ đợi, khó chụp được những bức ảnh đẹp và tệ hơn là cảm thấy mệt mỏi vì chen chúc. Hãy mở rộng vùng an toàn, đi bộ nhiều hơn, tham khảo từ những người đi trước và chọn điểm đến theo sở thích bản thân chứ đừng theo gu của số đông.
Khu Arashiyama ở Kyoto, Nhật Bản vào một ngày được coi là vắng vẻ bất ngờ. Ảnh: Thạch Long
Bỏ qua bảo hiểm du lịch
Nhiều người cảm thấy thật lãng phí khi phải chi thêm một khoản tiền không hề nhỏ cho bảo hiểm du lịch. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng ra điều gì đang chờ mình ở một quốc gia xa lạ. Tai nạn, mất đồ đạc, bệnh dịch... vô số những điều không mong muốn có thể xảy ra ảnh hưởng tới chuyến đi, hay thậm chí là sức khoẻ, tính mạng của bạn. Vậy nên đừng bỏ qua tấm lá chắn bảo vệ bạn khi điều không mong muốn xảy ra.
Thạch Long